Quế chi là cành nhỏ của nhiều loại quế: quế Trung Quốc, quế Thanh Hóa, thuộc họ Long não.
Tính vị : vị cay ngọt, tính ấm
Quy kinh: quy vào kinh tâm, phế, bàng quang
Tác dụng: phát hãn, giải cơ, ôn kinh thông dương.
Ứng dụng lâm sàng:
+ Chữa cảm mạo phong hàn nhưng có mồ hôi( biểu hư), vệ khí hư, phần dinh khí vẫn mạnh, tẩu lý sơ hở nên ra mồ hôi. Quế chi sắc đỏ, thấu dinh vệ, tính chất cay ấm nên phát tán phong hàn. Vì phát tán phong hàn qua phần ở biểu nên gọi quế chi có tác dụng sơ phong giải cơ. Bài “Quế chi thang”
+Ôn kinh chỉ thống và ôn thông kinh mạch: quế chi do tính vị cay ấm nên trừ phong thấp, hàn thấp, dùng để chữa các chứng bệnh thống kinh, bế kinh do hàn thấp quá mạnh gây ra; chứng bệnh đau bụng do lạnh( cơn đau dạ dày, cơn co thắt đại tràng do lạnh) do tác dụng ôn trung trừ hàn.
+Chữa đau khớp, đau các dây thần kinh, co cứng các cơ do lạnh( khu hàn ôn lý); do hàn thấp gây trở ngại kinh lạc thành chứng tý. Quế chi là dược liệu thăng phù dẫn lên vai tay, vị cay phát tán, tính ôn gây thông nên quế chi có tác dụng trừ phong thấp, thông kinh lạc
+ Chữa chứng ho và long đờm( trục ẩm chỉ khái)
+ Hóa khí lợi niệu: theo YHCT muốn đi tiểu được cần có khí của thận dương khí hóa ở bàng quang. Khi bị ngoại cảm phong hàn làm ảnh hưởng đến sự khí hóa ở bàng quang gây chứng ứ nước làm bí đái. Quế chi thông dương khí, tăng cường sự khí hóa ở bàng quang được phối hợp với các dược liệu ôn kiện tỳ dương như bạch truật. Đẻ chữa bệnh này dùng bài “ngũ linh tán” bao gồm: quế chi,phục linh, trư linh, trạch tả, bạch truật.
-Liều lượng: 4-12g/ngày
-Kiệng kỵ: người có chứng thấp nhiệt,âm hư hỏa vượng: tâm căn suy nhược thể ức chế giảm, huyết áp cao thể can dương thịnh, chảy máu do bệnh ôn nhiệt gây tổn thương tân dịch. Phụ nữ có thai, kinh nguyệt ra nhiều
-Tác dụng dược lý: Quế chi có tác dụng ức chế hoạt động của một số vi khuẩn đường ruột như lỵ trực khuẩn, ức chế hoạt động của men và vi khuẩn sinh hơi, ức chế virus cúm.