F0 chữa long đờm từ cây gia vị quen thuộc

Với một nắm cây mùi tàu đem đun nước để uống, chị Thanh Tâm (Hà Nội) giúp con gái giảm ho đờm sau ba ngày.

Con gái chị Tâm 5 tuổi, sau sốt 2 ngày bị ho, nhiều đờm. Không muốn cho con uống nhiều dược liệu, chị ưu tiên các phương pháp trị ho dân gian. Theo đó, chị Tâm đun nước lá mùi tàu tàu với chút muối, để vào bình giữ nhiệt để bé uống ấm trong ngày. “Sau ba ngày, bé đã giảm hẳn đờm, chỉ còn ho khan một chút”, chị Tâm chia sẻ.

Tương tự trường hợp con chị Tâm, hậu Covid, anh Ngọc Tân (Nam Định) bị ho đờm nhiều. Cho rằng tình trạng của bản thân không nghiêm trọng, lại là người không thích uống dược liệu nên anh cũng không quan tâm nhiều, “đợi tự khỏi”.

Sau 4 ngày vẫn ho đờm dai dẳng, chị Mai – vợ anh Tân đun nước từ cây mùi tàu có sẵn trong vườn cho anh uống, theo kinh nghiệm người lớn tuổi trong nhà. Chị dùng một nắm cây mùi tàu, để cả rễ, rửa sạch, thái khúc rồi đun lên với khoảng 300 ml nước. Sau hơn một ngày theo bài dược liệu dân gian này, anh Tân đã ho bật đờm trong họng, cảm giác dễ chịu hơn.

Lá mùi tàu và rễ cây được đun lên lấy nước uống chữa long đờm. Ảnh: Nhi Tâm

Lá mùi tàu và rễ cây được đun lên lấy nước uống để chữa long đờm.

Lý giải về cách chữa long đờm từ cây mùi tàu nhiều người đang áp dụng, TS. BS Ngô Quang Hải, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết, bài dược liệu này nếu thực hiện đúng cách sẽ phát huy tác dụng.

Mùi tàu còn gọi là ngò gai là một loại cây gia vị khá phổ biến. Các thành phần trong mùi tàu gồm protid, glucid, cellulose, calcium, phosphor, sắt, vitamin B1 và vitamin C… Theo Đông y, mùi tàu có vị cay đắng, là cây dược liệu lành tính, quy về kinh vị, kinh phế, có tác dụng tiêu phong, thanh nhiệt, kiện tỳ, trừ đàm.

TS. BS Ngô Quang Hải cho biết, mùi tàu có thể dùng chữa cảm cúm, ho đờm. Bệnh nhân bị ho có đờm do nhiều nguyên nhân, đờm thường ứ đọng, bám dính trong đường hô hấp gây khó thở và khó chịu. Theo kinh nghiện Đông y, người bệnh dùng mùi tàu để làm long đờm, tống phần đờm bám dính trong cổ họng ra. Bài dược liệu này thực hiện như sau: dùng 40g mùi tàu tươi (có thể để cả rễ) thái nhỏ, cho 300 ml nước đun sôi, chia hai lần uống lúc nước ấm.

“Mùi tàu có tác dụng long đờm tốt. Tuy nhiên, người bệnh cần làm đúng phương pháp, cách uống thì mới có tác dụng. Việc lạm dụng, uống quá nhiều có thể làm phản tác dụng của bài dược liệu”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo tiến sĩ, mùi tàu cũng rất tốt cho những người bị cảm cúm. Người bệnh kết hợp 30-40 gram mùi tàu cùng 10 gram gừng và 40 gram ngải cứu, 15 gram cam thảo, 15 gram cúc tần, đun lấy nước uống để giảm các triệu chứng cảm cúm.

Về việc sử dụng là mùi tàu cho bà bầu và trẻ em dưới một tuổi, Tiến sĩ Ngô Quang Hải khuyến cáo, với bà bầu, cần nghe theo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng trong giai đoạn này; còn trẻ dưới một tuổi thì không nên dùng… Nhìn chung, để bài dược liệu này phù hợp với thể trạng của từng người thì người bệnh cần được kê đơn và tư vấn bởi bác sĩ chuyên môn.

Cũng theo chuyên gia, ngoài tác dụng long đờm, chữa cảm cúm, mùi tàu còn hỗ trợ giảm viêm dạ dày, chướng bụng, buồn nôn, trị hôi miệng, chữa đau bụng, tiêu chảy…

Bài Viết Liên Quan