Chị Hương, ở huyện Thường Tín, bị mất ngủ mãn tính, được bạn bè giới thiệu miếng dán thải độc chân, nhãn mác ghi tiếng nước ngoài, sẽ giúp cơ thể thải độc tố, giúp ngủ được. Chị mua về dùng thử, sau đó thấy gan bàn chân (tại vị trí dán miếng thải độc) xuất hiện mảng bám màu đen, “đúng như lời người bán quảng cáo”.
“Họ nói chỉ cần dán miếng dán thải độc trước khi đi ngủ thì tất cả độc tố tồn tại lâu năm trong cơ thể sẽ được hút ra hết”, chị Hương kể, thêm rằng người bán còn quảng cáo sản phẩm tác dụng giảm đau, hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan xương, gout, giúp giảm sưng viêm do mụn nhọt.
Sau 5 đêm dán liên tiếp, bàn chân chị tấy đỏ, bỏng rát, nổi mụn nước, đau đớn không thể đi lại. Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Hội Da liễu Việt Nam, chẩn đoán bệnh nhân bị biến chứng viêm da kích ứng do sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc. Người phụ nữ được yêu cầu ngừng sử dụng miếng dán, kết hợp uống thuốc kháng histamin, kháng sinh, chiếu ánh sáng laser năng lượng thấp để giảm viêm, giảm ngứa, giảm đỏ.
Trường hợp khác, nam, 20 tuổi, cũng sử dụng miếng dán được 10 ngày để điều trị mụn trứng cá, thì chân chảy nước vàng, da bong tróc, nhiều chỗ rách mảng da, khi đến viện, bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng.
Người dùng chỉ cần gõ cụm từ “miếng dán chân thải độc” sẽ hiện ra hàng ngàn kết quả liên quan. Sản phẩm này được bán rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Theo lời quảng cáo, miếng dán thải độc được nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc với giá từ 300.000 đến 800.000 đ/hộp 10 miếng, giúp thải độc khỏi cơ thể, chữa đau đầu, đau lưng, cơ, viêm khớp, mất ngủ; điều trị biến chứng cho người bị bệnh đái tháo đường, điều chỉnh hệ thống tuần hoàn máu.
Tuy nhiên, bác sĩ Thành cho rằng chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định chất độc từ cơ thể có thể đi qua lòng bàn chân ra ngoài. Đồng thời, cũng chưa có công trình hay nghiên cứu nào về tác dụng của các miếng dán nói trên.
“Tình trạng bàn chân đổi màu có thể là phản ứng giữa một thành phần nào đó của miếng dán và mồ hôi cơ thể do bị dán kín một thời gian dài, chứ không có chuyện chất độc của cơ thể làm miếng dán đổi màu”, bác sĩ nói.
Thực tế, một số bao bì sản phẩm có ghi các thành phần gồm giấm gỗ, dextrin, chitosan, đá tourmaline, bột ngọc trai, silica tinh khiết và axit glycolic, trong đó axit glycolic có tác dụng tẩy da chết vì tính axit cao. Nếu sử dụng quá liều lượng, axit glycolic có thể gây biến chứng nghiêm trọng như viêm da tiếp xúc kích ứng, dị ứng, bỏng, nhiễm trùng.
Đồng quan điểm, tiến sĩ, bác sĩ y học cổ truyền Ngô Quang Hải, Hội Châm cứu Việt Nam, cho biết không miếng dán thải độc nào có thể thải hoàn toàn độc tố trong cơ thể ra ngoài. Ở chân có rất nhiều huyệt vị và kinh mạch chạy qua, các miếng dán có thể tác động vào huyệt vị hoặc hệ thống phản xạ tại vùng chân. Tuy nhiên, do kích thước của những miếng dán này lớn, bao phủ toàn bộ bàn chân nên sẽ kích thích vào nhiều huyệt vị khác nhau, không thể tập trung tác dụng lên huyệt mong muốn. Chưa kể trong một số trường hợp còn tác dụng ngược, gây ra biến chứng.
Các chuyên gia cho biết cơ thể con người đã có cơ chế thải độc qua bài tiết mồ hôi, đi vệ sinh, hít thở, vệ sinh thân thể. Những biện pháp như dán miếng chân, thụt tháo đại tràng… đều là cách làm phản khoa học, vi phạm y đức, thậm chí nguy hiểm tính mạng người dùng.
“Y khoa hiện nay không có bằng chứng là chúng ta ‘bị độc’ và cần phải giải, bởi cơ thể có thể cân bằng và điều chỉnh các tổn thương trong cơ thể. Các độc tố, nếu có, cũng sẽ luôn được cân bằng và đào thải ra ngoài”, bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho hay.
Bác sĩ khuyến cáo thay vì tìm mọi cách thải độc cơ thể, mọi người cần duy trì lối sống khoa học, lành mạnh, tập thể dục thể thao phù hợp, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin, uống đủ nước. Bên cạnh đó, nên tạo thói quen khám sức khỏe tổng quát 6 tháng đến một năm một lần, hoặc thường xuyên hơn tùy vào tuổi tác, tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ và tình trạng sức khỏe hiện tại.
Nếu có bất thường, bạn cần chấp hành đúng theo phác đồ và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý mua thuốc hoặc sử dụng các phương pháp giải độc không có cơ sở khoa học.
Nguồn báo: https://vnexpress.net/tien-mat-tat-mang-tu-mieng-dan-chan-thai-doc-4671111.html