TRẦN BÌ – VỊ DƯỢC LIỆU NÊN CÓ TRONG NHÀ

Trần bì  là vị dược liệu phổ biến trong y học cổ truyền, có mùi thơm, vị cay, đắng, tính ấm, tác dụng điều hòa khí huyết, tiêu đờm, kiện tỳ. Thường dùng chữa đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ho có đờm, kém ăn, nôn mửa, tiêu chảy…

Để có vị dược liệu trần bì, đến mùa quýt chín người ta hái quả về, khía vỏ quả làm 3 – 4 mảnh sát đến cuống, ăn múi rồi xâu vỏ vào dây lạt, phơi thoáng gió hoặc sấy nhẹ cho khô. Không nên treo gác bếp làm trần bì bị mất tinh dầu và dễ bẩn. Dược liệu có mặt ngoài màu vàng đỏ hoặc nâu đỏ, có đường nhăn và điểm lõm nhỏ hình tròn, đem ra ánh sáng thấy có điểm lõm nhỏ nhưng không rõ lắm. Mềm nhưng khô thì giòn, dễ bẻ gẫy, chỗ gẫy không bằng phẳng. Càng để lâu càng tốt.

Trần bì: Trần bì vị cay, đắng, tính ôn, thường dùng kèm dược liệu điều khí có tác dụng táo thấp trừ hoá đờm. Thường dùng trong các trường hợp sau:

Tiêu trướng trừ nôn:

Do phế vị khí trướng mà gây tức ngực, vùng ngực trướng mãn, cồn ruột, nôn oẹ… có thể dùng trần bì với chỉ xác, bán hạ, tô ngạnh (cành tía tô), tô tử… Trần bì có tác dụng trừ vị nhiệt (tưa lưỡi vàng, hay ăn đồ lạnh, mạch sác) có thể thêm hoàng cầm, xuyên đông tử; còn có tác dụng với vị hàn (tưa lưỡi trắng, thích chườm ấm, mạch trì) thêm ô dược, lương khương, có tác dụng với trung tiêu thấp nhiệt (tưa lưỡi trắng dày mà nề, không hay uống nước, mạch tượng hoạt) có thể thêm phục linh, thương truật…

Trừ đờm, trừ ho: Với trung tiêu thấp nhiệt đờm thương phạm hoặc ngoại cảm phong hàn, dẫn tới phế khí bất lợi mà sinh ho, nhiều đờm, ngực tức, không muốn ăn, lưỡi tưa trắng nề, mạch hoạt thường dùng trần bì với bán hạ, phục linh, tô tử, hạnh nhân, hạt cải sao, kim phật thảo (toàn phúc hoa thời trước gọi là kim phật thảo, gần đây hoa của nó gọi là toàn phúc hoa, toàn cây gọi là kim phật thảo), tiền hồ… ngoại cảm chứng rõ rệt có thể thêm kinh giới, cát cánh, ma hoàng.

Điều khí khai vị: Với trung tiêu khí trệ, ăn uống không ngon, phối hợp với mạch nha, cốc nha, khấu y, thần khúc, sơn tra… có tác dụng thúc đẩy ăn uống.

Khi dùng đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, sơn dược, thục địa, sinh địa… để làm dược liệu bổ, nếu phối hợp với một ít trần bì thì tránh xảy ra tức ngực, trung mãn, ăn uống không ngon và các tác dụng phụ khác… nó còn phát huy đầy đủ tác dụng bổ của dược liệu.

Vỏ quýt gọt sạch màng trắng bên trong thì gọi là quýt hồng. Quýt hồng, trần bì đều có tác dụng hoá đờm, nhưng quýt hồng hiệu quả hoá (long) đờm mạnh nhất. Với đờm nhiều, đờm quánh, đờm trắng dính thì thích hợp nhất. Quýt hồng thiên về thanh nhập phế, thích hợp để chữa ho, ngoại cảm, nhiều đờm, ngực tức còn trần bì có thể có tác dụng điều khí tiêu trướng khai vị. Vì vậy quýt hồng mạnh hơn trần bì.

Xơ quýt có tác dụng hoá đờm thông lạc, thường dùng chữa ho, ngực sườn trướng tức và ngón tay tê dại… Hạt quýt có thể tán kết thông thường dùng trị trướng khí thống. Lá quýt có thể thư can giải uất thường dùng trị ngực sườn trướng tức và ngón tay tê bại…

Bài Viết Liên Quan